1. Nem chua Thanh Hóa
Nem chua là món ăn phổ biến ở Việt Nam, nhưng có lẽ vùng đất làm nên thứ nem chua giòn ngon, hấp dẫn hơn cả là xứ Thanh. Nem chua Thanh Hóa ngon ở sự kết hợp hài hòa của tất cả các nguyên liệu. Nem được gói chắc tay, lên men vừa tầm chín tạo vị thanh chua rôm rốp; hương thơm hấp dẫn từ tỏi, lá ổi, lá đinh lăng kết hợp hài hòa với màu hồng tươi bắt mắt của thịt ngon. Chiếc nem chua chỉ nhỉnh hơn ngón tay, xếp gọn ghẽ mà trăm cái đều tăm tắp, hương vị mê say lòng người.
2.Chả tôm
Chả tôm là món ăn độc đáo và lạ miệng với những thực khách phương xa. Người Thanh Hóa sáng tạo và chế biến món ăn này khá cầu kỳ: Tôm băm hoặc xay nhuyễn, cho vào ít bột gấc để tạo màu, sau đó trộn cùng thịt ba chỉ bằm đã được xào vàng cùng hành, tỏi để tạo thành hỗn hợp nhân. Bánh được gói bằng bánh phở vuông nhỏ bằng lòng bàn tay, xếp vào vỉ, đem nướng trên bếp than hoa. Khi chín tỏa ra mùi thơm quyến rũ, ăn vào thấy mềm ngọt đậm đà.
3. Bánh gai Làng Mía
Bánh gai làng Mía hay còn biết đến với tên gọi bánh gai Tứ Trụ, thuộc xã Thọ Diên, huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa. Nếu như trước kia, bánh gai chỉ xuất hiện trong các dịp lễ lạt, ngày hội họp hay cúng tế, thì ngày nay, người làng Mía làm loại bánh này quanh năm để phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Nguyên liệu chính làm bánh gồm có lá gai, gạo nếp, đậu xanh, vừng và dầu chuối. Trong khi bánh gai Nam Định hay bánh gai Ninh Giang sử dụng hạt sen hay thịt mỡ, thì bánh gai làng Mía có vị đặc trưng của mật mía và thịt lợn nạc.
Từng chiếc bánh được gấp vuông vắn trong lá chuối khô rồi đem hấp chín. Bánh gai Tứ Trụ có mùi thơm đặc trưng của dầu chuối, vị ngọt đậm của mật mía, mùi béo ngậy của thịt và dậy lên vị dẻo thơm của nếp thoảng mùi lá chuối.
4.Bánh răng bừa
Đây là thức bánh dân dã truyền thống tại một số nơi như ở Thanh Hóa và một số tỉnh thuộc vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bánh răng bừa có mùi thơm đặc trưng của lá chuối, bên trong là bột gạo tẻ mềm mịn, quyện cùng nhân thịt và mộc nhĩ.
Ở xứ Thanh, nơi làm món bánh răng bừa nổi tiếng hơn cả là tại làng Trung Lập, huyện Thọ Xuân. Để cho ra lò một mẻ bánh ngon, đòi hỏi người làm bánh phải chăm chút cẩn thận khâu chọn nguyên liệu và từng công đoạn thực hiện.
5.Gỏi cá nhệch
Là món ngon nức tiếng ở vùng quê Nga Sơn (Thanh Hóa). Nếu những nơi khác ăn gỏi kèm mắm tôm, nước mắm thì điểm nhấn cho món đặc sản Thanh Hóa này chính là chẻo nhệch. Chẻo ăn cùng gỏi cá là bí quyết làm nên sự khác biệt, được chế biến từ xương cá giã nhuyễn chưng cùng mẻ chua và các loại gia vị đặc trưng khác. Chẻo bày ra bát nhỏ, có màu đỏ sậm, đặc sánh, đậm đà, váng mỡ và thơm nức mũi.
6. Thịt trâu nấu lá lồm
Thịt trâu nấu với lá lồm là món ăn đặc trưng của dân tộc Mường, cũng là món ngon không thể bỏ qua khi đến Thanh Hóa. Món ăn tuy đơn giản, nhưng kết hợp hài hòa hai hương vị độc đáo đặc trưng vùng sơn cước nên mang tới cảm nhận cùng hương vị thật sự khó quên. Món ăn là sự kết hợp giữa lá lồm thanh chua xua tan mùi gây của thịt trâu, bỏ vào miệng chỉ thấy miếng thịt no lửa chím mềm cùng vị dịu dàng quyến luyến của các gia vị.
7.Chè lam Phú Quảng
Cắn một miếng bánh chè lam, tan trong miệng là vị dẻo dai của bột nếp, vị ngọt ngào của mật, một chút cay cay của gừng và một chút bùi bùi của lạc, nhấp một ngụm trà, ngọt lành. Nguyên liệu làm bánh mộc mạc, đơn giản, ở quê nhà nào cũng có thể sắm được: chục bò gạo nếp, dăm chai mật mía, lạc rang, gừng nướng chín sắt thành miếng mỏng. gạo nếp hoa vàng, trắng đều, hạt căng mẩy, sàng xẩy cẩn thận rồi rang trên chảo gang cho gạo vàng. Quan trọng nhất là rang gạo làm sao để không cháy quá, nếu không bánh sẽ có mùi khét. Sau đó dùng cối xay mịn gạo đã rang chín, càng mịn thì bánh càng dẻo và ngon.
Đậu Dũng( tổng hợp)
Bình luận của bạn