Tổng quan du lịch đảo Lý Sơn
Lý Sơn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi, nằm cách bờ khoảng 30km, với diện tích gần 10km2 và dân số hơn 20.000 người. Đảo Lý Sơn để lại ấn tượng khó quên trong lòng du khách với những ngày nắng ấm mênh mang, những bãi biển trong vắt và người dân vô cùng dễ mến.
Toàn cảnh Lí Sơn nhìn từ trên cao.
Huyện đảo Lý Sơn gồm 3 hòn đảo là Đảo Lớn, Đảo Bé và hòn Mù Cu. Đảo Lớn còn gọi là Cù Lao Ré, là trung tâm của Lý Sơn. Đảo Bé còn có tên gọi khác là An Bình. Hòn Mù Cu ở phía đông, nằm sát Đảo Lớn, là đảo nhỏ nhất và không có người ở.
Đảo Lý Sơn điểm đến tuyệt vời bạn nên ghé thăm một lần trong đời
Không khó để bạn có thể chụp được những bức hình đẹp ở Lý Sơn.
Cánh đồng tỏi trên đảo
Lịch trình chi tiết khám phá khi du lịch đảo Lý Sơn
*Thời điểm lí tưởng để khám phá
– Mùa hè trong khoảng thời gian từ tháng 5-9 thời tiết đẹp, có nắng, thích hợp với tắm lặn biển.
– Mùa tỏi Lý Sơn bắt đầu được trồng vào tháng 9 và thu hoạch vào khoảng đầu tháng 12.
– Lễ khao thề lính Hoàng Sa diễn ra vào các ngày 18 -19 -20 tháng 3 (âm lịch)
*Di chuyển như thế nào?
Bạn có thể đi máy bay đến Sân bay Đà Nẵng hoặc sân bay Chu Lai, sau đó di chuyển bằng các phương tiện như taxi, xe máy đến Quảng Ngãi, cuỗi cùng ra cảng Sa Kỳ.
Cách thứ hai bạn đi xe giường nằm đến Quảng Ngãi, sau đó đi xuống Cảng Sa Kỳ. Tại cảng Sa Kỳ có nhiều nhà nghỉ ngay đường vào cảng, cách khoảng 200m, bạn có thể nghỉ ngơi tại đó.
Cách thứ ba bạn đi tàu. Vé tàu khoảng 1,5 triệu khứ hồi ngồi mềm điều hòa. và bạn sẽ đến quảng ngãi lúc 4h sáng nếu đi chuyến tàu 9h hôm trước như vậy thong dong bạn ra bắt xe bus đi sa kỳ rồi lên đảo trong buổi sáng, lúc về tương tự bạn sẽ về Hà Nội rất sớm và buổi sáng có thể đi làm bình thường.
*Vé tàu cao tốc.
Cảng Sa Kỳ chính thức đi vào hoạt động từ Tết Âm lịch, có các cửa riêng vé cho người ưu tiên, cửa cho đoàn đăng ký vé trước và cửa cho người mới đến xếp hàng mua vé.
Giá vé: Từ Sa Kỳ ra đảo: 105.000VND/1 lượt
Từ Lý Sơn về Sa Kỳ: 100.000VND/1 lượt
Danh sách đăng ký (nếu đặt mua vé trước) bao gồm thông tin: Họ tên, Năm sinh, Quê quán.
Trưởng đoàn chỉ cần trình CMND của mình và bàn danh sách đoàn dăng ký gửi cho phòng vé từ trước.
Giờ tàu chạy: Buổi sáng: Có 2 chuyến lúc 7h30 & 8h
Buổi chiều: Có 1 chuyến lúc 13h/ 13h30.
Đây là lịch cố định hàng ngày nhưng với cuối tuần ha dịp lễ cao điểm thì tàu chạy kín ngày bổ sung. Không xuất cảng sau 16h30 để đảm bảo an ninh hàng hải.
Số điện thoại đặt vé tàu cao tốc cảng Sa Kỳ: 055.3626431 hoặc Fax 055.3626.138 và cung cấp thông tin từng cá nhân theo hướng dẫn của nhân viên phòng vé.
*Nghỉ ngơi ở cảng hoặc khu vực Mỹ Khê hay TP Quảng Ngãi.
Ở cảng Sa Kỳ, hiện vẫn có mỗi nhà trọ Hương Biển có 5 phòng dạng nhà trọ đơn giản để mọi người nghỉ đêm chờ tàu. Có thể chứa được khoảng 15 người và giá là 50.000 đồng/người. Tuy nhiên thi thoảng họ hay đòi giá 60.000 đồng hay 70.000 đồng, tuy nhiên bạn chỉ nên trả 50.000 đồng/người. Cứ nói là có bạn mới ở và giới thiệu. Một lựa chọn khác cũng ngay gần cạnh là nhà trọ Phương Đông. Có 5 phòng và giá mỗi phòng thường vào khoảng 120.000 đồng. Tuy nhiên, bạn nên trả giá xuống 100.000 đồng vì với kiểu phòng như vậy thì giá 100.000 đồng là hợp lý.
Nếu nhà nghỉ ở khu vực cảng Sa Kỳ mà bạn cảm thấy không ưng ý thì có thể bắt taxi, xe ôm ra khu bãi biển Mỹ Khê cách cảng 7 km để nghỉ ngơi với tiện nghi khang trang hơn. Ở đây thì ăn nghỉ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, giá cũng đắt hơn đôi chút. Ở Mỹ Khê có vài nhà nghỉ bình dân, một khách sạn tên là Hoàng Sa và một nhà khách Mỹ Khê 3 sao. Nhà khách thì phòng đơn có giá khoảng 300.000 đồng, phòng đôi 450.000 đồng. Khách sạn Hoàng Sa thì giá phòng đơn là 250.000 đồng, phòng đôi 350.000 đồng. Các nhà nghỉ bình dân giá cũng tầm 200.000 đồng phòng đơn và có nơi rẻ hơn đôi chút.
Ở Mỹ Khê có bãi biển tắm khá đẹp, ngắm bình minh và ăn uống thì thoải mái vì ở khu vực này có cả một dãy nhà hàng hải sản bình dân, đồ phong phú và giá cả hợp lý.
Khách sạn ở Quảng Ngãi có đầy đủ hết từ 4 sao, 3 sao đến bình dân nhà trọ. Ăn ở Quảng Ngãi thì có một vài đặc sản như cá bống sông Trà, quán Cây Gòn ngay đầu cầu Trà Khúc cũ gần khách sạn 3 sao Sông Trà. Thêm món nữa nên ăn thử là cơm gà Nhung 2. Bạn có thể hỏi bất cứ ai ở đây đều biết và chỉ đường cho các bạn. Giá ở cơm gà Nhung khá hợp lý và ngon nhưng quán Cây Gòn giá khá đắt vì có lẽ quán này đăng ký thương hiệu hẳn hoi rồi.
*Các điểm thăm quan
Chùa Hang
Chùa Hang (tên chữ là Thiên Khổng Thạch Tự, Chùa đá trời sinh) ở xã An Hải, đảo Lý Sơn, được lập ra dưới triều vua Lê Kính Tông bởi ông Trần Công Thành, một trong những người đã ở đây tạo dựng cùng với việc khẩn hoang, mở đất lập làng An Hải, An Vĩnh xưa. Gọi là chùa Hang vì chùa nằm trong một hang đá lớn nhất trong hệ thống hang động ở Lý Sơn, được tạo ra từ dãy núi Thới Lới, màu nham thạch, vách núi dựng đứng cao gần 20 m.
Cổng Tò Vò
Từ cầu cảng chính đi vào cổng chào của Lý Sơn, rẽ trái đi meo theo con đường nhỏ đến gần chùa Đục sẽ thấy một mỏm đá nhỏ nằm sát dưới biển. Đây là một trong những địa điểm yêu thích của các bạn đam mê chụp ảnh khi đặt chân tới Lý Sơn, các bạn có thể cùng bạn bè tới đây để đón những khoảnh khắc khi bình minh lên hoặc khi hoàng hôn dần xuống.
Hòn Mù Cu
Hòn Mù Cu nằm ở phía đông đảo cách trung tâm huyện 3.2 km sát với vũng neo đậu tàu thuyền An Hải. Là nơi rất đẹp bởi những hòn đá đen có nhiều kiểu độc đáo tạo nên, đây cũng là nơi nghĩ mát và ngắm mặt trời mọc lý tưởng trên đảo.
Hang Câu
Nằm ở thôn Đông, xã An Hải (Lý Sơn) dưới chân núi Thới Lới, Hang Câu có một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ giữa một bên là biển, một bên là núi. Hang Câu được sóng và gió biển bào mòn, “khoét sâu” vào lòng núi và hình thành cách nay hàng ngàn năm từ nham thạch. Khung cảnh ở đây còn khá hoang sơ nhưng mang một vẻ đẹp rất thơ mộng, quyến rũ hút hồn du khách.
Cột cờ Tổ quốc trên đỉnh Thới Lới
Công trình Cột cờ Tổ quốc tại huyện đảo Lý Sơn được khởi công xây dựng từ ngày 4.5.2013, trên núi Thới Lới- ngọn núi cao nhất ở đảo Lý Sơn. Cột cờ có chiều cao 20m, đế trụ cờ và móng cột cờ được xây dựng bằng bê tông cốt thép, mặt hướng ra quần đảo Hoàng Sa. Công trình có dạng kiến trúc gồm: Đài cột, thân cột cờ, bậc thềm và khuôn viên xung quanh. Phần móng được chôn sâu dưới lớp đá với kỹ thuật kết cấu móng thường sử dụng cho những ngọn hải đăng vững chắc. Mặt chính trên đài có ghi lại thông tin toạ độ cột cờ. Đài cờ cao 5m, thân màu trắng được bọc ngang bởi khối màu đỏ mang sắc màu lá quốc kỳ.
Đảo Bé
Đảo Bé hay còn gọi là đảo An Bình đúng như tên gọi, có diện tích rất bé. Đảo Bé tuy diện tích rất nhỏ, nhưng lại có một bãi tắm đẹp tuyệt vời với làn cát trắng mịn, bao bọc bởi cánh cung vách đá cao, và những con sóng tung bọt trắng xóa ào ạt ngày đêm.
Từ đảo lớn mỗi ngày đều có tàu sang đảo bé, chạy lúc 8h sáng rồi quay lại vào lúc 14h30 hàng ngày. Sang Đảo Bé bạn có thể đi dạo một vòng quanh đảo thăm thú cảnh đẹp, các ruộng tỏi, tới bãi tắm ở phía cuối đảo rồi quay trở lại phía cầu tàu để nghỉ ngơi ăn uống.
Đỉnh Thới Lới
Là một ngọn núi lửa đã tắt, đỉnh núi cao nhất của toàn đảo Lý Sơn (149m). Hiện tại trên đỉnh núi có một hồ nước ngọt có thể tích 30.000 m3 cung cấp toàn bộ nước ngọt cho cả 2 đảo lớn và đảo bé.
Chùa Đục và Quan Âm Đài
Ngôi chùa tọa lạc giữa lưng chừng sườn núi Giếng Tiền, ngọn núi lửa đã ngủ quên hàng ngàn năm trên đảo, du khách phải vượt qua hơn 100 bậc thang men theo sườn núi để đến được Chùa Đục.
Tọa lạc ngay tiền sảnh của khu thắng cảnh chùa Đục là tượng Quán Thế Âm cao 27 mét, dẫn lên các điện thờ cổ kính, rêu phong nằm sâu trong lòng núi. Chùa Đục còn gọi là chùa không sư, theo tương truyền của người theo đạo Phật, Quán Thế Âm từng chọn ngự ở đây, trấn giữ bình yên cho dân đảo tránh được những cơn thiên tai.
Từ chùa, theo hướng tượng Quán Thế Âm nhìn ra hướng biển cảnh đẹp như tranh. Thú vị nhất là leo lên tận đỉnh Liêm Tự để nhìn thấy miệng núi lửa bây giờ là một cảnh đồng cỏ xanh hình lòng chảo. Đỉnh núi là một đài ngoạn cảnh tưởng lý tưởng để ngắm nhìn bao quát biển đảo Lý Sơn từ trên cao để hiểu vì sao nơi đây được ví như chốn tiên cảnh.
*Những món ăn ngon trên đảo Lí Sơn
Các món ốc:
Nối tiếng nhất là món ốc tượng, vốn gắn liền với thương hiệu du lịch đảo Lý Sơn. Ốc loại lớn cỡ bàn tay, nặng nửa ký, thịt trắng, thơm ngon lại giòn như gân sụn. Thưởng thức ốc tượng có thể làm món trộn hoặc gỏi đều được. Nhưng đỏn giản nhất là nấu cháo hành với hương vị khiến thực khách sẽ nhớ mãi không bao giờ quên.
Món ngon tiếp theo là ốc cừ hấp gừng, thịt giòn rất ngọt. Do ốc sống ở các nơi có sóng lớn nên vị ngon hơn ở các vùng khác. Ngoài hấp gừng, người dân Lý Sơn còn đêm ốc cừ đi nướng, luộc hoặc thậm chí xào sả ớt. Nếu ăn kèm rau húng và tỏi tươi đều rất thơm, đượm vị.
Du khách có thể thêm ốc vú nàng vào những món ăn ngon tại Lý Sơn bởi bạn chỉ được đãi món này vào ngày trăng tròn. Nghe cái tên thôi cũng đủ hấp dẫn, hình dáng loài ốc tựa như bầu vú của thiếu nữ mới dậy thì trông rất bắt mắt. Có thể chế biến ốc vú nàng theo nhiều món, từ hấp, luộc, nước cho đến ăn gỏi đều ngon khó tả.
MÓN CUA NỔI TIẾNG ĐẢO LÝ SƠN
Ăn cua vừa giàu dinh dưỡng lại có vị ngon, ngọt đặc trưng. Cũng giống như ốc, cua Lý Sơn do được nuôi dưỡng ở vùng biển xanh mát nên hương vị ấn tượng hơn nhiều nơi khác. Nếu đến đây, bạn nên thử qua món cua Huỳnh Đế trước. Thân loài này dày, cứng và hồng đỏ. Nhưng khi mở ra, thị lại mềm và thơm ngon, bổ dưỡng vô cùng. Thịt cua hấp có thể ăn kèm muối tiêu ớt xanh cay cay, nhè nhè thật khó tả.
Món cua dẹt hiếm hơn vì phải bắt ngày mưa dông. Cũng phải, bởi những món ăn ngon thường không dễ tìm và càng hiếm càng quý. Cua dẹp nướng lên thơm lừng, bóc vỏ đen sẽ làm lộ ra lớp thịt trắng ngần săn chắc, chấm muối ớt để cảm nhận vị đậm đà tuyệt hảo.
Cháo Nhum biển
Cháo Nhum biển phải nói là một trong những món ăn ngon độc đáo nhất chỉ có ở Lý Sơn. Con nhím biển dù thân hình xấu xí nhưng khi gỡ thịt chấm muối với bồ tạt thì thật khó cưỡng. Ngon nhất là cháo nhum, có chút ngọt, mặn hòa lẫn với vị béo. Bạn có thể tìm thấy hương vị phảng phất của sò điệp, thịt tôm và nồng nàn của các loại gia vị.
Cá tà ma
Cá tà ma là một loại cá sống ở biển, da có vảy màu nâu đen, thân dẹt, hình giống như con cá rô phi nước ngọt nhưng to hơn. Theo người dân ở đảo, sở dĩ loài cá này có tên tà ma là do chúng sống chủ yếu ở các gành rạn, rất lanh khôn, khó đánh bắt, nên dân gian gọi như vậy.
Thịt cá tà ma dai, chắc ngọt, mùi vị thơm lạ lùng, phần lườn là chỗ ngon nhất, nên ăn cá này ai cũng phải gắp ít lườn để thưởng thức vị béo rất riêng. Mùa đông người dân đảo thường nướng cá, mùa hè nắng nóng thì nấu canh hẹ, canh chua, lẩu, cháo.
Hàu son xào
Huyện đảo Lý Sơn chẳng những có nhiều hải sản quý, mà còn nhiều món ăn dân dã như món hàu son xào đu đủ với hương vị độc đáo, đã đem đến cho người thưởng thức hương vị khó quên.
Hàu son hay còn gọi là Vẹm thuộc loài nhuyễn thể, có ở khắp gành, sống trong lớp cát san hô có rong biển. Vẹm hình bầu dục, lớn hơn ngón tay cái một chút. Bắt vẹm đem về dùng dao nhỏ, mũi nhọn tách vẹm làm 2 nửa, nạy lấy ruột. Ruột vẹm lớn gần bằng đầu ngón tay út, có màu đỏ gạch rất tươi. Cái ngon của vẹm là phải lấy ruột vẹm sống. Còn nếu phải luộc cho 2 nửa vỏ tách ra để lấy ruột như thế, sẽ mất đi vị ngọt và chẳng còn ngon nữa.
Gỏi sứa
Món ăn không cầu kỳ, phức tạp là công thức của món gỏi sứa ngọt mát này giống như người dân xứ đảo luôn mộc mạc vậy. Sứa vừa vớt về đem ngâm trong nước chuối chát xắt mỏng để sứa đỡ ra nước, sau trộn với rau thơm, xoài, khế… pha chế chén nước chấm bằng mắm ngon. Ngoài ra, người dân nơi đây còn phi hành với dầu ăn dậy mùi thơm, vàng rộm trộn đều nhau, rồi rưới nước mắm và nêm nếm món gỏi cho thật vừa khẩu vị, và rắc thêm đậu phộng.
Đậu Dũng (tổng hợp)
Bình luận của bạn