Tây Bắc vốn được biết đến không chỉ bởi vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ, cảnh sắc kỳ ảo trữ tình, con người thân thiện dễ mến, mà còn đắm say lòng người bởi nền văn hóa ẩm thực vùng cao đặc trưng từ cách nấu cho tới hương vị.
Thịt khô gác bếp
Đặc sản thịt khô là món ăn nổi tiếng nhất nhì của người dân Tây Bắc; từ thịt trâu, thịt bò đến thịt lợn khô đều vô cùng thơm ngon. Điều thú vị nhất là thịt khô ở đây không phải loại thịt xé sợi thường thấy ở miền xuôi mà là loại nguyên miếng, nướng khô, đẫm vị. Những miếng thịt tươi ngon nhất được chọn lựa rồi tẩm ướp gia vị, treo lên gác bếp, hong khô bằng than hồng của củi rừng và khói bếp làm nên cái hương vị đặc trưng cho loại thịt khô vùng này. Mỗi miếng thịt là sự hòa quyện của vị thơm thơm của mắc khén, cay nồng của ớt gừng và thoang thoảng hương khói bếp không thể lẫn được.
Chẳm chéo
Ăn các món ngon vùng Tây Bắc mà không nhắc tới chẳm chéo thì đúng là thiếu sót lớn. Loại đồ chấm làm từ mắc khén, ớt, tỏi và muối này có thể biến tấu thành rất nhiều những loại chéo khác nhau cho phù hợp với mỗi món ăn. Mỗi loại chẳm chéo được pha đều có những hương vị riêng nhưng không thể thiếu vị thơm nồng của mắc khén, cay cay của ớt rừng và thơm nức của tỏi. Chính vì thế, dù là loại chéo nào những nguyên liệu này cũng không thể thiếu được.
Lạp xưởng hun khói
Lạp xưởng hun khói hay còn gọi là lạp xưởng gác bếp được làm thừ lòng non và thịt lợn. Người ta đem làm sạch lòng non, rửa qua với rượu rồi nhồi thịt băm nhuyễn cùng với gia vị vào cho căng, buộc thành từng đoạn rồi treo lên gác bếp. Cứ để như thế, lạp xưởng có thể để ăn dần cả năm mà không hỏng. Khi ăn, lạp xưởng có vị béo ngậy, thơm mùi mắc khén, lá rừng và thoang thoảng hương rượu làm say lòng người thưởng thức thứ đặc sản Tây Bắc này.
Pa pỉnh tộp
Pa pỉnh tộp (cá gập nướng) là món ăn khá cầu kỳ, thường được dùng trong các bữa ăn khi gia đình có khách quý. Người ta chọn những con cá chép tươi, còn nguyên con để nướng. Sau khi sát qua chút muối cùng ớt bột khô để khử mùi tanh cho cá, người làm tẩm ướp gia vị là các loại rau thơm như quả mắc khén (một loại hạt tiêu rừng), gừng, tỏi, sả, hành, rau thơm rừng, ớt bột... băm nhỏ, trộn lẫn với nhau và sát đều lên mình, đồng thời nhồi vào trong bụng cá.
Người Thái sẽ gấp đôi mình con cá theo chiều ngang, kẹp vỉ hoặc que nướng bằng tre tươi để giữ và nướng đều trên bếp than hoa. Khi cá chín, những gia vị được tẩm ướp và kẹp trong bụng cá sẽ thấm dần, giúp món ăn tỏa mùi thơm hấp dẫn.
Thịt lợn cắp nách của người Mông
Giống lợn Mường ở Sapa sở dĩ có tên goi như vậy là vì những con lợn này rất nhỏ, trưởng thành cũng chỉ nặng 4 – 5 kg. người bán, kẻ mua chỉ cần “cắp nách” mang đi là xong. Dân từ bản xa mang lợn ra chợ thường buộc chân lợn vào cái que tre, vắt ngang miệng gùi, đầu đuôi còn ngắn hơn bờ vai người đeo.
Lợn được làm sạch, tẩm ướp rồi để nguyên con mà nướng hoặc quay. Miếng thịt mỏng tang, từ ngoài vào trong chỉ có một lớp bì ròn tan, rồi đến một lớp thịt nạc thật mềm, ngọt lịm, dày không đến 2 cm; và trong cùng là xương, thường là cũng rất nhỏ và mềm, ăn được luôn nếu không phải là xương ống. Thịt “lợn cắp nách” nhâm nhi với rượu táo mèo Sa Pa, nhậu xuyên đêm chưa chán.
Bê chao
Món bê chao với từng miếng thịt bê giòn bì, chắc thịt, không hề khô cứng mà lại rất mềm, ngọt. Thịt bê được người bản địa xắt thành từng miếng nhỏ, đem ướp sả, gừng, gia vị rồi chao qua dầu sôi với mùi thơm phưng phức. Bê chao ngon nhất là ăn vào một ngày đầu đông, cùng đĩa cải ngồng thơm nồng chấm xì dầu một trứng béo ngậy. Miếng thịt dai dòn đậm đà trong miệng, nhâm nhi từng hồi mà vẫn thấy vị núi rừng thoang thoảng hương bay.
Xôi Tú Lệ ngũ sắc
“Ai chẳng biết Tú Lệ nếp nương! Xôi ngũ sắc thơm vờn vách núi…” là câu hát của những sơn nữ Thái tuổi mười tám, đôi mươi trôi trong không gian rừng núi vào những ngày đông lạnh giá.
Ai đi phượt qua thung lũng Tú Lệ (Yên Bái) mà không dừng lại để thưởng thức món xôi ngon tuyệt là một điều tiếc nuối lớn. Xôi Tú Lệ thơm, dẻo, ngọt từng hạt một. Càng nhai kỹ lại càng thấy bùi bùi, không béo, ăn mãi không thấy ngán.
Điều đặc biệt của xôi Tú Lệ có lẽ là hương thơm của những hạt nếp. Hương thơm cứ ngào ngạt như thể hoa ban, hoa sở của núi rừng Tây Bắc đọng lại mà thành. Hương thơm cứ lan tỏa khắp nơi vào những ngày rét mướt, cầm nắm xôi nghi ngút khói để thưởng thức thì không còn gì hạnh phúc bằng.
Xôi trứng kiến đen
Một trong những món ăn lạ miệng đó có món “xôi trứng kiến” – đặc sản của người dân tộc Tày mà nếu có cơ hội thưởng thức bạn sẽ không thể quên được hương vị thơm ngon, ngòn ngọt, bùi béo mà lại không hề ngấy của món xôi hấp dẫn này.
Xôi trứng kiến được làm từ thành phần chính là gạo nếp nương và trứng của kiến đen ở trong rừng. Thêm vào đó là các gia vị làm nên mùi hương thơm lừng hòa quyện trong từng hạt xôi mềm dẻo là củ kiệu phi thơm với mỡ gà, và được gói trong lá chuối ngự.
Cơm lam
Cơm lam là một món ăn đặc sản của vùng Tây Bắc nói riêng và của Việt Nam nói chung. Đây là một món ăn cõ lẽ không ai không biết đến và được cả các du khách nước ngoài rất yêu thích. Cơm lam được nấu theo một cách đặc biệt đó là nấu cơm trong ống tre hoặc ống nứa. Cơm khi chín rất thơm, dẻo và ngọt do có thấm nước của ống nữa tiết ra.
Mật ong rừng
Mật ong rừng vốn nổi tiếng hiếm có và có chất lượng tốt hơn hẳn loại mật ong nuôi thường thấy. Mật ong rừng có công hiệu đặc biệt cao trong các bài thuốc y học cổ truyền. Dùng mật ong rừng có thể tăng cường sức khỏe, chữa các bệnh về tiêu hóa, bổ phế… do thành phần và giá trị dinh dưỡng trong mật ong rừng rất cao. Chính vì thế, mật ong rừng luôn được coi là một trong những đặc sản Tây Bắc nổi tiếng.
Kể sao hết những đặc sản Tây Bắc, chỉ có đến tận nơi, thử tận tay, nhìn tận mắt, mới hiểu thấu nét ẩm thực vùng cao phong phú và khác lạ đến nhường nào. Cùng 3R Việt Nam khám phá chân trời ẩm thực đầy mới mẻ và hấp dẫn này bạn nhé!
Bình luận của bạn