Tham dự buổi Tọa đàm có đại diện Ban Nội Chính Trung ương, Bộ Tư pháp, Tòa án Quân sự Trung ương, Tòa án thành phố Hà Nội và một số đơn vị thuộc TAND tối cao.
Phát biểu khai mạc buổi Tọa đàm, đồng chí Lê Văn Minh, Thẩm phán TAND tối cao, phụ trách Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học đã khái quát tình hình diễn biến của tội phạm, đặc biệt là nhóm tội phạm tham nhũng, tội phạm chức vụ, xâm phạm trực tiếp đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước. Theo đó, hoạt động của các loại tội phạm tham nhũng, tội phạm chức vụ có những diễn biến hết sức phức tạp. Các vụ án tham nhũng thường có nhiều bị cáo cùng thực hiện hành vi phạm tội, với sự phân công và câu kết chặt chẽ giữa các đồng phạm, các đối tượng tham gia thường có địa vị trong xã hội; hành vi phạm tội ngày càng tinh vi, chủ yếu là lợi dụng những kẽ hở trong chính sách, pháp luật của Nhà nước, tranh thủ vị trí xã hội của chính các đối tượng tham gia để thực hiện hành vi phạm tội.
Các loại tội phạm tham nhũng, tội phạm chức vụ đã làm ảnh hưởng lớn đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự xã hội của từng địa phương và trên toàn quốc; làm thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, đời sống của nhân dân và nguy hại hơn là nó còn làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước trên cả bình diện đối nội và đối ngoại, ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế, xã hội và chính sách hội nhập quốc tế của đất nước.
Với tinh thần kiên quyết đấu tranh đẩy lùi tội phạm nói chung và tội phạm tham nhũng nói riêng, dưới sự chỉ đạo của Đảng, các cơ quan bảo vệ pháp luật từ Trung ương đến địa phương đã phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan Nhà nước khác kiên quyết, chủ động trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, nên đã đạt được những kết quả nhất định.
Công tác xét xử tội phạm tham nhũng những năm qua cũng đã đạt được những kết quả quan trọng, chất lượng xét xử ngày càng tốt hơn, các phán quyết của Tòa án căn cứ chủ yếu vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa và trên cơ sở xem xét một cách khách quan, toàn diện các chứng cứ đã được thu thập trong quá trình điều tra vụ án, được thẩm định tại phiên tòa nên việc xét xử đã bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, qua thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm tham nhũng, chức vụ mà trực tiếp là công tác xét xử, nhận thấy quy định của pháp luật hiện hành về phòng, chống tham nhũng nói chung, tội phạm tham nhũng nói riêng có một số bất cập cần phải sớm khắc phục, sửa đổi, bổ sung, nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc để đấu tranh, xử lý hiệu quả loại tội phạm này
Với ý nghĩa, mục đích nêu trên, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND tối cao tổ chức buổi Tọa đàm về hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự về tội phạm tham nhũng nhằm lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu, các chuyên gia pháp lý đối với các quy định hiện đang bất cập của dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi) ở Chương XXIII, các tội phạm về chức vụ.
Trên tinh thần của buổi Tọa đàm, các đại biểu đã tích cực đóng góp nhiều ý kiến bổ ích nhằm hoàn thiện pháp luật hình sự về tội phạm tham nhũng, chức vụ; trong đó, có ý kiến đã nêu ra những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn xét xử tội phạm tham nhũng và một số giải pháp, kiến nghị. Nhiều đại biểu cho rằng nên bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với các tội đưa và nhận hối lộ; không nên quy định khung mức tiền chiếm đoạt, gây thiệt hại để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì tình hình kinh tế là biến động, giá trị đồng tiền không ổn định. Có nhiều ý kiến chưa đồng tình với quy định tại các điểm g, h khoản 2 điều 352 "làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức" (điểm g), "Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức" (điểm h). Theo Tiến sỹ Nguyễn Mai Bộ, Phó Chánh án TAQS Trung ương, quy định như vậy là chưa rõ ràng, vì cụm từ "ảnh hưởng xấu" chưa rõ nghĩa, "xấu" ở đây là tính chất nhưng mức độ xấu tới đâu thì sẽ bị coi là phạm tội; còn về cụm từ "làm mất uy tín", Tiến sỹ Nguyễn Mai Bộ cho rằng rất khó để chứng minh được như thế nào là làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức.
Ngoài ra, các nội dung, như: Lợi ích phi vật chất, xác định thế nào là tài sản của Nhà nước trong các doanh nghiệp có một phần vốn góp của Nhà nước, dấu hiệu định khung hình phạt trong các tội về tham nhũng…cũng được các đại biểu thảo luận sôi nổi và đưa ra nhiều ý kiến khác nhau.
Kết thúc buổi Tọa đàm, Thẩm phán TAND tối cao Lê Văn Minh cảm ơn sự tham gia góp ý nhiệt tình của các đại biểu; những ý kiến đóng góp đó là cơ sở để Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TAND tối cao tổng hợp, tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định hiện đang bất cập.
Theo : toanan.gov.vn
Bình luận của bạn